Nhật Bản đề nghị quốc tế trợ giúp khắc phục sự cố hạt nhân
Hiện, Nhật Bản đang lên phương án dự phòng cho trường hợp xấu có thể xảy ra và cả việc đổ axit vào các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân. Chưa hết, Nhật Bản cũng đã yêu cầu Hàn Quốc hỗ trợ bằng cách sớm chuyển 52 tấn hóa chất bo đang dự trữ trong các kho của nước này bởi đây là loại hóa chất quan trọng có tác dụng làm ngừng hoặc làm chậm lại phản ứng phân hạch tại các lò phản ứng hạt nhân.
Ngày 16/3, sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi vẫn là tâm điểm chú ý của không chỉ người dân Nhật Bản mà cả cộng đồng quốc tế. Tình hình xảy ra tại nhà máy này thường xuyên được Chính phủ Nhật Bản cập nhật, kể cả những thông tin về việc lò phản ứng số 3 và số 4 tiếp tục cháy.
Còi báo động vang lên không ngừng, 50 công nhân cuối cùng nỗ lực giảm nhiệt độ tại các lò phản ứng đã buộc phải sơ tán khẩn cấp sau khi phát hiện có vết rạn gây rò rỉ lượng phóng xạ ở lò phản ứng số 2. Nước Nhật tiếp tục phải hứng chịu thêm những khó khăn mới trong nỗi lo phát tán chất phóng xạ và những rung chấn mới từ hai trận động đất mạnh 5,8 độ richter và 6 độ richter.
Nhật Bản đang nỗ lực sử dụng mọi biện pháp nhằm giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra do sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi.
Nỗ lực trong gian khó
Tin từ hãng Reuters cho hay, sau 2 đợt dư chấn mạnh 6 đến 6,2 độ richter làm rung chuyển thủ đô Tokyo tối 15/3, sáng 16/3, Nhật Bản lại oằn mình hứng chịu thêm các trận động đất mới có cường độ mạnh từ 5,8 đến 6 độ richter tại khu vực Kanto thuộc tỉnh Chiba. Dù chưa có cảnh báo về khả năng xảy ra sóng thần, song theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, mực nước biển có thể dâng cao. Đến chiều 16/3, thời tiết ở các tỉnh là tâm chấn vụ động đất hôm 11/3 đã có những thay đổi. Tuyết rơi phủ kín đường phố gây khó khăn cho công tác cứu hộ và cứu nạn.
Trong khi đó, tại Fukushima, 50 công nhân cuối cùng rời khỏi Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi đã bắt đầu hành trình quay trở lại nhà máy với nhiệm vụ tiếp tục bơm nước biển làm mát các lò phản ứng đang có nguy cơ nổ tung.
Trước đó, vào sáng 16/3, Nhật Bản đã yêu cầu sơ tán khẩn cấp những công nhân này ra khỏi nhà máy và ngừng toàn bộ hoạt động trong nhà máy khi nhiệt độ tăng cao và nồng độ phóng xạ đo được đã tăng gấp 100 lần so với mức bình thường.
Nhật Bản đang nỗ lực sử dụng mọi biện pháp nhằm giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra do sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi. Ảnh: K.Hà tổng hợp Boston.com.
Riêng khu vực thủ đô Tokyo, nồng độ phóng xạ tăng gấp 10 lần. Chánh văn phòng nội các Yukio Edano khi đó khẳng định, chính phủ vẫn kiểm soát tình hình và sẽ có những bước đi phù hợp để khắc phục sự cố hạt nhân tại nhà máy này. Song, ông Yukio Edano cũng khẳng định, mức phóng xạ ngày càng tăng cao và đang lan nhanh ra khu vực xung quanh. Chính phủ đang dự định sẽ mở rộng vùng di tản dân và đưa ra những cảnh báo mới.
Cũng theo lời chánh văn phòng nội các thì lúc đầu lửa cháy ở lò phản ứng số 3, sau đó khói lại xuất hiện ở lò phản ứng số 4. Vỏ bê tông bao quanh lò phản ứng số 2 được thiết kế để chứa bụi phóng xạ cũng bị cho là bị rò rỉ.
Trước tình hình cấp bách như vậy, gần trưa 16/3, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã sử dụng 2 trực thăng CH-47 Chinook để bơm nước trực tiếp xuống các lò phản ứng ở Nhà máy Fukushima Dai-i-chi. Các chuyên gia hạt nhân của Nhật Bản tiếp tục tìm kiếm và viện tới sự trợ giúp, tham vấn từ các chuyên gia hạt nhân của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Hiện, Nhật Bản cũng đang lên phương án dự phòng cho trường hợp xấu có thể xảy ra và cả việc đổ axit vào các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân.
Chưa hết, Nhật Bản cũng đã yêu cầu Hàn Quốc hỗ trợ bằng cách sớm chuyển 52 tấn hóa chất bo đang dự trữ trong các kho của nước này bởi đây là loại hóa chất quan trọng có tác dụng làm ngừng hoặc làm chậm lại phản ứng phân hạch tại các lò phản ứng hạt nhân.
Lời động viên của Nhật Hoàng
Khoảng 4h ngày 16/3, lần đầu tiên Nhật Hoàng Akihito đã xuất hiện trên truyền hình, đọc thông điệp gửi đến người dân Nhật Bản, đặc biệt là những người gặp nạn sau trận động đất mạnh 8,9 độ richer và sóng thần hôm 11/3.
Nhật Hoàng cho biết, ông cảm thấy rất đau lòng trước những mất mát của người dân và mong đợi tin xác nhận bình an từ mọi người. Nhắc đến sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-i-chi, Nhật Hoàng khẳng định, các chuyên gia hạt nhân và chính phủ đang nỗ lực hết mình để đảm bảo an toàn cho mọi người. Cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong vụ động đất và sóng thần, cầu mong đất nước được bình an, Nhật Hoàng cũng kêu gọi mọi người phải bình tĩnh, đoàn kết và giúp nhau vượt qua gian khó.
Theo ghi nhận của phóng viên hãng AFP, trước những thông tin liên tục về sự cố ở các lò phản ứng hạt nhân, người dân Nhật Bản vẫn giữ một thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn, kỷ luật và thực hiện theo đúng những khuyến cáo của các nhà chức trách.
Đến chiều 16/3, công tác cứu hộ, sơ tán người dân ở vùng tâm chấn động đất vẫn được tiến hành bất chấp thời tiết xấu, gây trở ngại lớn. Chính phủ Nhật Bản đã lập thêm nhiều trung tâm cứu trợ và phân phát miễn phí thực phẩm, nước uống sạch cho người dân. Riêng ở thủ đô Tokyo, lo ngại về sự lan tỏa phóng xạ, nhiều công dân nước ngoài đã di tản theo kế hoạch do các Đại sứ quán thực hiện.
Về công tác cứu trợ người Việt Nam ở Nhật Bản, thông báo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 16/3 cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã cử đoàn công tác đi Sendai cùng Fukushima để đón công dân Việt Nam. Đến chiều 16/3, đoàn công tác đã sơ tán được 42 người, trong đó có 41 người Việt Nam và một người mang quốc tịch Đức. Những người này đều an toàn và được Đại sứ quán bố trí tạm trú tại một ngôi chùa ở trung tâm thủ đô Tokyo.
Một đoàn công tác khác được cử tới thành phố Morioka thuộc tỉnh Iwate cũng đang trên đường về sau khi đón được khoảng 23 người, chủ yếu là sinh viên và thực tập sinh Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc trong khu vực này. Đoàn công tác thứ ba được cử tới tỉnh Fukushima cũng đã đón được khoảng 18 công dân Việt Nam. Hiện nay, đoàn công tác vẫn đang nỗ lực liên hệ với những sinh viên và thực tập sinh khác để sơ tán họ ra khỏi khu vực này.
Do tình hình khó khăn, Đại sứ quán phải huy động hầu hết cán bộ, nhân viên và cả gia đình cán bộ, nhân viên đi đến nhiều cửa hàng khác nhau mới có thể chuẩn bị đủ lương thực và nhiên liệu cho đoàn công tác. Các đầu mối thu thập thông tin của Đại sứ quán hoạt động tối đa công suất nhằm thu thập và xác minh dữ liệu chính xác về tên tuổi, địa điểm lánh nạn của công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, việc liên hệ với công dân Việt Nam tại Nhật rất khó khăn do nhiều người đến Nhật không liên hệ với Đại sứ quán hoặc Đại sứ quan không được các cơ quan phái cử thông báo như lưu học sinh/sinh viên đi theo diện tự túc kinh phí hoặc kinh phí của các Bộ, ngành, các chương trình của JICA, chương trình 165, trao đổi giữa các trường, viện nghiên cứu hoặc đối với lao động mà doanh nghiệp phái cử không thông báo danh sách cho Đại sứ quán.
Thêm vào đó, tình trạng thông tin tắc nghẽn do sự cố mạng vẫn còn tiếp diễn. Hiện, Hội Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, CLB cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã gửi lời kêu gọi ủng hộ giúp đỡ học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản.
Nhằm nhanh chóng cập nhật tình trạng của những người ở vùng bị nạn (Iwate, Miyagi, Fukushima, Chiba…), Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) còn lập ra trang web http://vysajp.blogspot.com để thông tin về tình hình người Việt Nam tại Nhật.
Theo CAND Online
- 19/09/2012 07:34 - dua
- 13/03/2012 08:14 - Trẻ nhập viện tăng do nắng nóng
- 13/03/2012 08:07 - Hoạt động và các kết quả chính của dự án BAT/BEP
- 13/03/2012 04:39 - Tiền Giang: Trại heo của bí thư xã gây ô nhiễm
- 13/03/2012 04:29 - Bệnh viện gây ô nhiễm - Dân khổ
- 13/03/2012 04:15 - Tốn triệu đô vẫn hoàn… ô nhiễm