Bệnh viện gây ô nhiễm - Dân khổ
Đã gần 10 năm kể từ khi thành lập, nhưng cho đến thời điểm này, Bệnh viên Đa khoa TP. Thanh Hóa (Bệnh viện) vẫn chưa có bất cứ một hệ thống xử lí chất thải, rác thải y tế nào.
Bất cập này khiến cho hàng trăm hộ dân sống sát nách bệnh viện đang hàng ngày phải hứng chịu cảnh bị "đầu độc" vì những mùi xú uế từ những đống chất thải, nước thải của bệnh viện bốc lên nồng nặc.
Bệnh viện Đa Khoa TP.Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 660/QĐ-UBND do UBND tỉnh phê duyệt ngày 10/3/2006 với quy mô 140 giường bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân thành phố. Hiện, hàng ngày bệnh viện đón tiếp hơn 200 lượt người đến khám bệnh và điều trị cho khoảng hơn 100 bệnh nhân nội trú. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3 - 5kg rác thải y tế đã qua sử dụng được thu gom, hàng tháng lượng nước thải y tế và nước thải sinh hoạt phát sinh với khối lượng 570m3. Điều đáng nói là đã gần 10 năm kể từ khi thành lập, Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa vẫn chưa có bất cứ một hệ thống xử lí chất thải, rác thải y tế nào. Bất cập này khiến cho nhiều hộ dân sống sát nách bệnh viện đang hàng ngày phải hứng chịu cảnh bị "đầu độc" vì những mùi xú uế từ những đống chất thải, nước thải của bệnh viện bốc lên từ đường cống rãnh thoát nước của bệnh viện và TP. Thanh Hóa.
Có mặt tại ngõ 19, đường Nguyễn Tạo, p. Trường Thi (TP. Thanh Hóa), nơi sinh sống của hơn 20 hộ dân, nằm ngay phía sau lưng bệnh viện, chúng tôi ghi nhận được nhiều phản ánh của người dân về mức độ gây ô nhiễm của Bệnh viện trong thời gian vừa qua. Bà Lê Thị L…sống trong khu phố cho biết: " Khổ nhất là mỗi khi bệnh viện tiến hành mổ tử thi, nước chảy lênh láng rồi trực tiếp đổ ra đường ống dẫn nước thải dân sinh của thành phố, cũng không thấy tiến hành khử trùng, tẩy rửa gì cả. Mùi hôi tanh bốc lên kinh khủng. Cứ mỗi lần như vậy là dân chúng tôi ở đây phải rủ nhau di cư đi nơi khác và ra quán ăn…phở ?". Nhiều người dân quanh khu vực bệnh viện đặt câu hỏi: Tại sao bệnh viện nằm ngay trung tâm thành phố mà lại chưa hề có một hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế ?.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Việt - Phụ trách Khoa Chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa) cho biết: Hiện nay do chưa có kinh phí đầu tư hệ thống cơ sở vật chất trong việc xử lý chất thải y tế của bệnh viện, do vậy để tiến hành xử lý chất thải y tế, chúng tôi buộc phải áp dụng những giải pháp mang tính tình thế. Đối với rác thải nguy hại, đơn vị đã tiến hành hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để xử lý với mức giá 15 nghìn/kg. Còn đối với nước thải y tế và nước thải sinh hoạt trong bệnh viện thì tiến hành khử bằng cloraminB nhằm hạn chế ô nhiễm".
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, khi thành lập đến nay, Bệnh viện chưa xây dựng được bất kỳ một hệ thống xử lí chất thải y tế nào. Để " chữa cháy" cho sự cố trên, bệnh viện đã cho tiến hành đào một đường ống rãnh mương quanh co khúc khuỷu ngay phía sau, sát chân tường bệnh viện với chiều rộng khoảng 25cm sâu khoảng 40cm rồi "nhả" thải trực tiếp ra đường mương này. Nước thải y tế bệnh viện được khử trùng qua loa bằng thuốc khử CloraminB trực tiếp đổ vào đường ống dẫn nước thải sinh hoạt chung của thành phố, không hệ thống che chắn, gây bốc mùi hôi thối nồng nặc. Còn rác thải y tế, rác thải sinh hoạt được tấp vào gian nhà cấp 4 ẩm thấp, đóng cửa kín mít. Cách xử lí nước thải kiểu "lộ thiên" có một không hai tại Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa trong nhiều năm qua khiến người dân hết sức bất mãn, còn bệnh viện vẫn thờ ơ xả thải.
Trước sự phản ánh gay gắt của dư luận thời gian qua về tình trạng Bệnh viện Đa khoa TP. Thanh Hóa gây ô nhiễm, ngày 3/8/2010 Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 876/QĐ-TCMT ngày 12/7/2010 bao gồm: Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), Vụ Quản lý Môi trường (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an...) tiến hành kiểm tra và lập biên bản. Qua kiểm tra cho thấy, bệnh viện chưa thực hiện việc quản lý và xử lí chất thải y tế theo đúng quy định theo Quyết định 43/2007/QĐ-BYT. Cụ thể là: Nước thải Bệnh viện vượt quá quy định từ 1,61- 1,68 lần, không thực hiện đúng nội dung yêu cầu, tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường (Theo QĐ 64/2003/QĐ-TTg); vi phạm khoản 1, điều 15, Nghị định 117/2009/NĐ-CP; Không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, tự vận chuyển chất thải nguy hại mà không có Giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại; Chuyển giao chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có điều kiện về quản lý, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại. Không có Báo cáo định kỳ về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại… Chất thải y tế và chất thải nguy hại y tế thông thường để ngoài trời, không được lưu trữ riêng biệt. Chất thải y tế nguy hại còn để lộn với chất thải y tế thông thường, không có nhà lưu trữ chất thải nguy hại. Nước thải y tế và nước thải sinh hoạt phát sinh với khối lượng trung bình 19m3/ngày, không có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố, bệnh viện không có hệ thống thu gom nước thải bề mặt và nước thải y tế riêng.
Ngày 11/1/2011 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 88/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do không thực hiện đúng nội dung yêu cầu về tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường và không đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại quy định tại khoản 3 điều 8, khoản 1 điều 15, điểm a khoản 2 điều 17 Nghị định số 117/2009/NĐ-CPngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tổng mức phạt lên tới 170.000.000 đồng (một trăm bảy mươi triệu đồng).
Tình trạng gây ô nhiễm đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng cho đến nay, bệnh viện vẫn chưa có bất kỳ động thái nào để khắc phục tình trạng trên. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tiến hành thanh, kiểm tra xử phạt về mức độ gây ô nhiễm của bệnh viện gây ra trong thời gian qua, nhưng tất cả cũng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", phạt xong rồi đâu lại vào đấy.
- 19/09/2012 07:34 - dua
- 13/03/2012 08:19 - Nhật Bản đề nghị quốc tế trợ giúp khắc phục sự cố hạt nhân
- 13/03/2012 08:14 - Trẻ nhập viện tăng do nắng nóng
- 13/03/2012 08:07 - Hoạt động và các kết quả chính của dự án BAT/BEP
- 13/03/2012 04:39 - Tiền Giang: Trại heo của bí thư xã gây ô nhiễm
- 13/03/2012 04:15 - Tốn triệu đô vẫn hoàn… ô nhiễm